Ngày 15/6/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường đối thoại chính sách giữa quốc gia đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư - Tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm đẩy mạnh các hoạt động thực hành lao động có trách nhiệm xã hội ở Việt Nam.
Các đại biểu tại Hội thảo
Đây là cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa quốc gia đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư để tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia dối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại việt nam. Việc gặp gỡ này sẽ mở ra quan hệ cộng sinh cùng có lợi thúc đẩy quan hệ bền vững, hình thành chuỗi cung ứng doanh nghiệp điện tử tại việt nam và thế giới lao động có trách nhiệm.
TS Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo
Theo TS Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI, ít có dự án nào, chỉ trong thời gian ngắn đã tạo tác động tích cực và lan toả như vậy. Điều này cho thấy chủ trương thành lập dự án và thành lập Liên minh đã bắt mạch đúng yêu cầu của ngành điện tử nói riêng và những ngành khác nói chung của Việt Nam, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động.
Theo phân tích của Chủ tịch VCCI, thành công bởi lẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành điện tử Việt Nam đã trở thành một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam đã trở thành 1 trong 12 công xưởng sản xuất điện tử hàng đầu của thế giới và là công xưởng điện tử thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt hơn 71 tỉ USD, gấp 2,5 lần công nghiệp dệt may và gấp gần 5 lần ngành da giày. Đây cũng là quán quân những ngành định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong vòng 5 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2017), số lượng các doanh nghiệp điện tử tăng gấp 2 lần và đạt 1.237 doanh nghiệp vào năm 2015. Số lao động trong ngành này tăng 3 lần từ tổng số lao động trong ngành 238.821 năm 2011 đã tăng đến 611.429 lao động tính đến cuối năm 2017. Ngành này đang tiếp tục trở thành ngành có sức thu hút lớn trong hoạt động thu hút FDI đầu tư vào Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Dự án “ Cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động có trách nhiệm tại Việt Nam” được thành lập năm 2015, từ khi thành lập dự án tiếp cận theo hai hướng đó là tổ chức tham gia đối thoại với doanh nghiệp về trách nhiệm của họ, đồng thời tăng cường quản lý lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là thanh tra lao động. Đây cũng là một hoạt động xuyên xuốt trong chuỗi cung ứng, nhằm kết nối, tạo các tác động tại các mức độ cung ứng khác nhau nhằm thúc đẩy đối thoại liên tục tại cấp doanh nghiệp, cấp ngành và cấp quốc gia và giữa nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư nhằm tạo ra các hành động chung tích cực giữa tất cả các bên liên quan nhằm cải thiện việc làm bền vững cho chính phủ Việt Nam.
Tháng 10 năm 2017, Liên minh các doanh nghiệp Điện tử chính thức được thành lập. Liên minh các doanh nghiệp Điện tử tạo ra một môi trường đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, Hiệp hôi doanh nghiệp ở Việt Nam trao đổi các thực hành tốt tại nơi làm việc đúng với nguyên tắc trong tuyên bố MNE. Đồng thời tạo ra tiếng nói của ngành điện tử trong một cuộc đối thoại chính sách rộng hơn với các bên liên quan khác và cùng hành động giải quyết những thách thức mà ngành phải đối mặt.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
“Chương trình Hội thảo tăng cường đối thoại chính sách giữa quốc gia đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư – Tối hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam hôm nay là một trong những diễn đàn đối thoại có thể coi là cấp độ cao nhất giữa nước chủ đầu tư và nước nhận đầu tư về chủ đề tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc phân tích.
Cuộc gặp này sẽ góp phần mở ra giai đoạn mới cộng sinh cùng có lợi giữa doanh nghiệp FDI lớn và cộng đồng doanh nghiệp nội địa, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thúc đẩy trách nhiệm xã hội, tạo việc làm bền vững trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Đặc biệt là hướng tới hình thành chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam gắn với chuỗi cung ứng điện tử của thế giới có trách nhiệm.